NỬA THẾ KỶ ÂM NHẠC THỪA THIÊN HUẾ THÀNH TỰU VÀ THỰC TRẠNG TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI HIỆN NAY

MỞ ĐẦU

Nửa thế kỷ âm nhạc Thừa Thiên Huế (1975–2025), nay là thành phố Huế, là một chặng đường dài với nhiều khúc quanh cam go, nhiều dấu son và những nốt trầm trong quy luật vận động tất yếu của sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội. Đặc biệt, sự thay đổi trong nhu cầu thẩm mỹ âm nhạc của con người thời đại hội nhập và toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức mới.

Việc tổng kết, đánh giá quá trình xây dựng và phát triển nền nghệ thuật âm nhạc Thừa Thiên Huế sau 50 năm thống nhất đất nước là hành động thiết thực, cấp bách và đầy ý nghĩa. Không chỉ để phát huy những thành tựu đã khẳng định qua thời gian, mà còn nhằm rà soát lại những tồn tại, yếu kém, cả những lĩnh vực bị bỏ ngỏ trong công cuộc đổi mới và phát triển quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

Làm thế nào để vừa bảo tồn được bản sắc âm nhạc cổ truyền Huế, vừa hội nhập với âm sắc và tiết tấu của âm nhạc đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa – đó là bài toán không dễ, đòi hỏi sự dấn thân, trí tuệ và nỗ lực của cả một thế hệ nhạc sĩ và người làm công tác âm nhạc.

Trong khuôn khổ tham luận này, người viết xin trình bày một số thành tựu đã đạt được, nêu lên thực trạng còn tồn tại và mạnh dạn đề xuất vài giải pháp phát triển, mong muốn góp tiếng nói xây dựng cho sự nghiệp âm nhạc Thừa Thiên Huế trong chặng đường mới.

I. BỐI CẢNH XÃ HỘI SAU NGÀY THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975) CHO ĐẾN NAY

1.1 Giai đoạn từ 1975 đến trước Đổi mới (1986)

Sau ngày thống nhất đất nước, đất nước bước vào thời kỳ cách mạng mới với hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Văn hóa, nghệ thuật là một phần không thể tách rời khỏi sự nghiệp đó.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) nhấn mạnh:

“Nền văn học nghệ thuật xã hội chủ nghĩa của ta cần sáng tạo hình tượng nghệ thuật cao đẹp, phong phú về con người mới, xã hội mới… phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất cao quý của nhân dân ta.”

Tại Thừa Thiên Huế, công cuộc thống nhất tư tưởng và đời sống văn hóa diễn ra trong bối cảnh hai vùng miền từng có sự khác biệt về thẩm mỹ và nhận thức. Nhằm thiết lập sự đồng thuận về cảm xúc thẩm mỹ, các cấp lãnh đạo địa phương đã đẩy mạnh cải tạo cơ sở văn hóa cũ, thu hồi văn hóa phẩm độc hại, đồng thời cung cấp các tác phẩm lành mạnh, tiến bộ đến người dân.

Lực lượng âm nhạc trong thời kỳ này chủ yếu gồm các nhạc sĩ từ miền Bắc, chiến khu và phong trào sinh viên tranh đấu “Hát cho dân tôi nghe”, như: Trần Hoàn, Lê Anh, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên, Trần Hữu Pháp, Quách Mộng Lân, Huy Chu, Hoàng Sông Hương, Hà Sâm, Thái Quý… Các nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu: Lô Thanh, Hoàng Công Nghê, Trương Ngọc Thắng, Mạnh Đạt, Vĩnh Phan, Trọng Tín, Hải Thủy…

Từ năm 1977, phong trào “Ca hát quần chúng” lan rộng trên toàn tỉnh với các đoàn văn nghệ đến công trường, nông trường, nhà máy, đơn vị vũ trang… Các sáng tác mới phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đã góp phần tạo nên không khí văn hóa sôi động và tích cực, trong đó có thể kể đến các ca khúc:

  • “Nắng tháng Ba”, “Lời ru trên nương”, “Một mùa xuân nho nhỏ” – Trần Hoàn

  • “Tiến về thành Huế”, “Dòng sông ai đã đặt tên” – Trần Hữu Pháp

  • “Ánh mắt thành Huế”, “Thu Bồn ơi” – Lê Anh

  • “Thuyền em đi trong đêm” – Nguyễn Phú Yên

  • “Em là mùa xuân thành phố” – Trần Đức

  • “Có một dòng sông”, “La Chữ quê mẹ” – Trần Hữu Dàng

    II. 50 NĂM VÀ NHỮNG THÀNH TỰU ÂM NHẠC

    2.1. Về lĩnh vực sáng tác âm nhạc

    Với hàng ngàn tác phẩm âm nhạc được sáng tạo trong nửa thế kỷ qua, các hội viên Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế đã phản ánh chân thực tiến trình phát triển mọi mặt đời sống xã hội của quê hương. Có thể nói, đó là một “chặng đường sử nhạc” – một bức tranh sinh động khắc họa tâm hồn, tính cách, tình cảm của con người xứ Huế trong thời đại mới.

    Các thể loại sáng tác bao gồm:

    • Ca khúc thiếu nhi

    • Ca khúc hành khúc

    • Ca khúc trữ tình – lãng mạn

    • Ca khúc nghệ thuật

    • Hợp xướng, khí nhạc thính phòng (song, tam, tứ, ngũ tấu…)

    • Concerto, thơ giao hưởng, giao hưởng, nhạc kịch, nhạc múa, nhạc phim, nhạc sân khấu

    2.1.1. Lĩnh vực sáng tác thanh nhạc

    Tiêu biểu có các nhạc sĩ: Trần Hoàn, Lê Anh, Trần Hữu Pháp, Hoàng Sông Hương, Thái Quý, Khắc Yên, Vĩnh Phúc, Việt Đức, Lê Phùng, Dương Bích Hà, Nguyễn Việt, Trần Đức, Đoàn Lan Hương, Quốc Anh, Hoàng Chiến, Đức Thanh…

    Đặc biệt, các nhạc sĩ trẻ như: Phạm Phước Nghĩa, Trần Tôn, Tịnh Mỹ, Thùy Phương, Phan Văn Thành… đã sớm thể hiện phong cách riêng và được công chúng đón nhận.

    Nhiều tác phẩm đã đạt các giải thưởng uy tín từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế và đặc biệt là giải VHNT Cố đô (trao 7 lần từ 1987 đến 2023).

    2.1.2. Lĩnh vực sáng tác khí nhạc

    Bao gồm: độc tấu, hòa tấu dân tộc, thính phòng, giao hưởng…

    Đây là lĩnh vực đòi hỏi cao về kỹ thuật sáng tác và tư duy khí nhạc. Các nhạc sĩ tiêu biểu gồm: Hà Sâm, Thái Quý, Khắc Yên, Vĩnh Phúc, Việt Đức, Lê Quang Vũ, Hoàng Chiến, Lê Hồng Lĩnh, Đức Thanh…

    Đáng chú ý là nhạc sĩ Lê Quang Vũ – từ năm 2007 đến 2023 đã sáng tác 14 tác phẩm giao hưởng đủ các thể loại (Tổ khúc, giao hưởng hợp xướng, tranh giao hưởng, ouvertures, thơ giao hưởng…) và đạt 9 giải thưởng lớn.

    2.1.3. Lĩnh vực sáng tác cho sân khấu, múa và phim

    Tiêu biểu có các nhạc sĩ:

    • Nguyễn Minh Tiến, Trần Đại Dũng (sân khấu)

    • Nguyễn Việt, Quốc Anh, Việt Đức (nhạc phim)

    • Vĩnh Phúc, Khắc Yên, Lê Phùng, Đoàn Lan Hương (múa)


    2.2. Về lĩnh vực nghiên cứu, lý luận và phê bình âm nhạc

    Đây là lĩnh vực mang tính học thuật cao, đòi hỏi tư duy phản biện, sưu tầm – tổng hợp công phu, đồng thời định hướng xu thế phát triển.

    Từ sau năm 1975, các nhạc sĩ hoạt động lý luận – nghiên cứu tiêu biểu gồm: Hà Sâm, Thái Quý, Xuân Lai, Quách Mộng Lân, Thân Trọng Bình, Nguyễn Đình Sáng, Dương Bích Hà, Vĩnh Phúc, Việt Đức…

    Tuy nhiên, mảng phê bình âm nhạc còn hạn chế, thiếu các cây bút có bản lĩnh chuyên môn vững vàng, nhiều khi phụ thuộc vào giới báo chí ngoài ngành.


    2.3. Về lĩnh vực đào tạo âm nhạc

    Hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp tại Huế – Học viện Âm nhạc Huế và Trường Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế – đã góp phần quyết định trong việc hình thành đội ngũ nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc phục vụ cả miền Trung – Tây Nguyên.

    Một số tên tuổi tiêu biểu trong giảng dạy các chuyên ngành:

    • Sáng tác – lý luận – chỉ huy: Hà Sâm, Thái Quý, Khắc Yên, Bùi Ngọc Phúc, Việt Đức, Dương Bích Hà…

    • Thanh nhạc: Trương Ngọc Thắng, Hoàng Công Nghê, Hoàng Đức…

    • Biểu diễn nhạc cụ phương Tây: Nguyễn Ngọc Ban, Lê Nguyên Hồng, Vĩnh Hùng, Trương Huệ Mẫn…

    • Âm nhạc truyền thống: Phạm Thị Thanh Vĩnh, Đoàn Công Chuân, Lâm Bảo Dần, Trần Kích, Kim Vàng, NSND Kiều Oanh…


    2.4. Về lĩnh vực biểu diễn âm nhạc

    Trong nửa thế kỷ qua, nghệ sĩ biểu diễn Thừa Thiên Huế đã góp phần đưa âm nhạc đến với công chúng qua nhiều phương thức: giảng dạy, biểu diễn trên sân khấu, dịch vụ du lịch, truyền hình…

    Một số nghệ sĩ tiêu biểu:

    • Ánh Tuyết, Nhất Sinh, Vân Khánh, Hoài Phương, Mỹ Lệ

    • NSƯT Mai Lê, Phong Thủy, Thu Hằng, NSND Kiều Oanh

    • Lớp trẻ: Mai Nga (đàn Tranh), Đình Phương, Bạch Trà (thanh nhạc)…

    Đặc biệt, lực lượng biểu diễn Ca Huế, Nhã nhạc cung đình vẫn là điểm nhấn văn hóa du lịch, góp phần quảng bá giá trị di sản cố đô.


    2.5. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật

    Từ hàng ngàn tác phẩm âm nhạc, nghiên cứu, biểu diễn… hình thành trong 50 năm qua, có thể khẳng định rằng:

    • Các tác phẩm phản ánh chân thực và giàu cảm xúc đời sống của nhân dân Huế

    • Các công trình nghiên cứu góp phần bảo tồn giá trị âm nhạc cung đình, dân gian và âm nhạc tộc người miền núi

    • Nghệ sĩ biểu diễn từng bước khẳng định phong cách cá nhân, được công chúng mến mộ

    Tuy nhiên, do môi trường sinh hoạt âm nhạc chưa thực sự năng động như TP.HCM, Hà Nội…, nên nghệ sĩ vẫn còn khó khăn trong quảng bá và phát triển nghề nghiệp. Đây là vấn đề cần được địa phương quan tâm tháo gỡ.

    III. THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA XÃ HỘI

    ĐỐI VỚI HƯỚNG ĐI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CÁC HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC

    TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI HIỆN NAY

    3.1. Thực trạng các hoạt động âm nhạc hiện nay

    Ngoài lĩnh vực đào tạo âm nhạc được tổ chức tương đối ổn định, các lĩnh vực khác như sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận và phê bình âm nhạc chủ yếu dựa trên nỗ lực tự thân của các nhạc sĩ.

    Dù đối mặt với nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng chính niềm đam mê nghệ thuật đã giúp các nhạc sĩ tiếp tục học hỏi và sáng tạo không ngừng. Từ đó, hàng ngàn tác phẩm, công trình, chương trình biểu diễn được hình thành – phong phú cả về thể loại lẫn dấu ấn cá nhân.

    • Nổi bật nhất là lĩnh vực ca khúc – chiếm số lượng áp đảo, được yêu thích rộng rãi, có sức lan tỏa lớn.

    • Biểu diễn tiếp tục khẳng định được tên tuổi cá nhân thông qua báo chí, truyền thông đại chúng.

    • Khí nhạc và nghiên cứu tuy số lượng ít nhưng mang giá trị chuyên sâu, đóng góp vào bảo tồn – phát huy bản sắc âm nhạc xứ Huế.

    Tuy nhiên, từng lĩnh vực vẫn tồn tại không ít hạn chế:

    a) Điểm mạnh:
    • Huế có nền văn hóa đặc sắc, là nguồn cảm hứng lớn cho âm nhạc.

    • Đội ngũ nhạc sĩ đông đảo (đứng thứ 3 toàn quốc).

    • Sở hữu hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

    • Nhiều nhạc sĩ có khả năng đa lĩnh vực: sáng tác – biểu diễn – lý luận – sân khấu – hòa âm – phối khí.

    • Hàng chục trại sáng tác tổ chức hiệu quả, có tác phẩm phục vụ đời sống tinh thần nhân dân.

    b) Hạn chế:
    • Nhiều tác phẩm từ trại sáng tác chưa được phổ biến, gây lãng phí.

    • Thâm nhập thực tế còn hình thức, thiếu chiều sâu.

    • Chưa có trại sáng tác cho thiếu nhi – lứa tuổi rất cần được đầu tư.

    • Chưa phát huy di sản khí nhạc Huế qua các trại sáng tác chuyên đề.

    • Nhiều tác phẩm còn nặng tính khẩu hiệu, thiếu chiều sâu chuyên môn.

    • Thiếu bài phê bình, nghiên cứu có chất lượng phản ánh đúng đời sống âm nhạc hiện nay.

    • Biểu diễn chưa tạo được sân chơi chất lượng cao, thiếu dự án lớn có chiều sâu văn hóa như các tỉnh thành lớn.

    VIET DUC3.2. Một số đề xuất và khuyến nghị

    1. Đưa tác phẩm sáng tác đi vào đời sống thực tế:

      Hội cần phối hợp với các huyện/thị, trường học, đài truyền thanh… để đưa tác phẩm được tuyển chọn phổ biến sâu rộng. Doanh nghiệp có thể tham gia tài trợ in ấn, thu âm, truyền thông.

    2. Thành lập dàn nhạc giao hưởng quy mô:

      Đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng một dàn nhạc giao hưởng khoảng 40 người do Học viện Âm nhạc Huế quản lý, phục vụ lễ nghi ngoại giao, Festival và quảng bá văn hóa.

    3. Tổ chức trại sáng tác dành cho thiếu nhi:

      Gắn kết với các tổ chức giáo dục – xã hội để sáng tác các ca khúc phù hợp lứa tuổi, định hướng nhân cách trẻ thơ.

    4. Tổ chức sáng tác khí nhạc dân tộc – phục vụ du lịch:

      Tận dụng thế mạnh di sản Huế để tạo ra “sản phẩm âm nhạc du lịch” mang dấu ấn riêng.

    5. Đặt hàng sáng tác theo chủ đề cụ thể:

      Ban hành cơ chế đặt hàng các nhạc sĩ có thế mạnh nhằm xây dựng tác phẩm xứng tầm với thành phố trực thuộc trung ương.

    3.3. Chất lượng hội viên, tác phẩm và trách nhiệm Ban Chấp hành Hội Âm nhạc

    3.3.1. Chất lượng hội viên

    • Tính đến 15/3/2025: Hội có 102 hội viên, trong đó 51 hội viên thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

    • Đa số được đào tạo bài bản, có học hàm học vị từ ThS đến PGS.TS.

    • Cần siết chặt quy trình xét kết nạp, khuyến khích hội viên tích cực hoạt động, rà soát lại hội viên không còn sinh hoạt.

    3.3.2. Chất lượng tác phẩm

    • Tác phẩm là “thương hiệu” của nhạc sĩ và của Hội.

    • Một số tác phẩm đạt giải nhưng không vượt trội so với những tác phẩm không được trao. Có trường hợp trao giải cao nhưng không được công chúng đón nhận.

    • Hội đồng xét giải cần đảm bảo chuyên môn cao, công tâm, khách quan.

    Vấn đề chuyên môn cần chú ý:

    • Cấu tứ, hình tượng âm nhạc, hòa âm, ngôn ngữ giai điệu

    • Trong lĩnh vực ca khúc – vốn là mũi nhọn – nhiều bài chưa đạt yêu cầu cơ bản về nghệ thuật

    3.3.3. Vai trò Ban Chấp hành Hội Âm nhạc

    • Là đầu mối tổ chức, quy tụ, gắn kết các hội viên.

    • Tổ chức thành công nhiều hoạt động có tính chất quốc gia, quốc tế.

    • Cần đổi mới phương thức hoạt động phù hợp thời đại chuyển đổi số:

      • Website cập nhật hiệu quả, là kênh kết nối thật sự

      • Giải thưởng cần có tầm ảnh hưởng và chọn lọc

      • Định hướng sáng tác sát với các chủ đề lớn của địa phương, đất nước

        KẾT LUẬN

        50 năm – một chặng đường nửa thế kỷ âm nhạc Thừa Thiên Huế với nhiều khó khăn, thăng trầm, nhưng cũng tràn đầy tự hào và thành tựu. Âm nhạc đã và đang góp phần to lớn xây dựng đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, là dòng chảy thấm đẫm văn hóa Huế – văn hóa dân tộc – trong dòng phát triển đi lên cùng đất nước.

        Nhiều tác phẩm, công trình, chương trình biểu diễn của các hội viên Hội Âm nhạc đã có đời sống riêng trong lòng công chúng, góp phần khẳng định thương hiệu cá nhân cũng như vị thế của âm nhạc Cố đô trong đời sống văn hóa nghệ thuật cả nước.

        Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ số – đặc biệt là các phòng thu âm và công nghệ làm video, sáng tác – biểu diễn – quảng bá âm nhạc Huế đang có nhiều cơ hội mới. Công nghệ AI mở ra những triển vọng mạnh mẽ hỗ trợ người nghệ sĩ trong công tác chuyên môn.

        Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người: tâm huyết, năng lực, sự chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của từng hội viên, từng thành viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc trong nhiệm kỳ mới – khi Huế đã chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương.

        Sự chuyển mình của một vùng đất Di sản – nơi có Sông Hương – Núi Ngự, thơ – nhạc – họa… sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi âm sắc trầm hùng, dịu ngọt, sâu lắng mà lớp lớp nhạc sĩ nơi đây đã dày công vun đắp.

        “Nửa thế kỷ nhìn lại – để tiếp tục đi xa, vững chắc và xứng đáng hơn với danh xưng thành phố Di sản đặc trưng của Việt Nam.”

                                                                                      PGS.TS.Nhạc
        sĩ Nguyễn Việt Đức


        TÀI LIỆU THAM KHẢO

        1. PGS.TS Tú Ngọc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, TS Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên (2000), Âm nhạc mới Việt Nam: Tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội.

        2. Nguyễn Bách (2017), Thường thức âm nhạc, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.

        3. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (chủ biên), Lâm Trúc Quyên (2019), Giáo trình Lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.

        4. Nguyễn Thụy Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

        5. Nguyễn Việt Đức (2023), Mảnh đất, con người xứ Huế qua lăng kính âm nhạc – Tài liệu cá nhân.

        6. Tài liệu của nhạc sĩ Quốc Anh – Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, Chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế.

        7. Tài liệu lưu trữ tại Văn phòng Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *