Âm nhạc Huế nửa đầu thế kỷ XX
Mặc dù văn hóa nghệ thuật phương Tây đã thâm nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, nhưng đến nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với chiến dịch “bình định về tinh thần” của Pháp thì văn hóa Pháp và phương Tây mới thực sự ồ ạt tràn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Sài Gòn… Rất nhiều loại nhạc của phương Tây đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều nguồn, thông qua nhiều phương tiện truyền bá khác nhau như nhạc của Thiên chúa giáo, của các đội nhạc kèn hơi và kèn đồng của quân đội Pháp và các đội lính khố xanh, khố đỏ; của tổ chức Hướng đạo, cũng như các đoàn ca nhạc tạp kỹ nước ngoài, qua sách báo, phim ảnh, máy hát, radio v.v…
Huế, với sự tọa lạc của Tòa Khâm sứ Trung kỳ, với số đông quan chức và binh lính Pháp, với hệ thống nhà thờ Công giáo, dòng tu, chủng viện…nên các luồng âm nhạc phương Tây du nhập vào Việt Nam đều có qua Huế và đã đến với đông đảo công chúng, đặc biệt là tầng lớp giáo dân, thanh niên…manh nha từ khoảng năm 1912. Học sinh Công giáo ngoài việc học giáo lý còn được các thầy Dòng người Pháp dạy thêm các kiến thức âm nhạc cơ bản của phương Tây để hát Thánh ca và đệm đàn cho các buổi lễ nhà thờ. Theo Dương Quang Thiện trong Sử liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam cho biết những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã có dạy một số lớp âm nhạc phương Tây tại Huế. “Các sách hát bằng tiếng Pháp và tiếng La Tinh cũng đề có phần dạy ký âm”.[1] Các nhạc cụ phương Tây cũng đã xuất hiện tại Huế như: Mandolin, Violon, Harmonica, Flute…
Cũng vào những năm đầu thế kỷ XX, để củng cố bộ máy cai trị của người Pháp, trong chiến dịch “bình định về tinh thần”, người Pháp đã ồ ạt truyền bá rộng rãi các loại hình văn hóa phương Tây với đủ mọi lĩnh vực vào các đô thị của Việt Nam, trong đó có Huế.
– Về âm nhạc, tại Huế ngày 11.11.1918, dàn nhạc Kèn hơi nhà binh Pháp được thành lập, trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ ở Huế (Musique Indigène de la Résidence Supérieure de l’Annam à Hue). Người được giao trọng trách tổ chức sáng lập là ông Bùi Thanh Vân, người nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc, người Pháp là Traineau. Dàn nhạc được tổ chức thành ba bộ: bộ Gỗ, bộ Đồng và bộ Gõ với biên chế khoảng 64 nhạc công. Đây là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên tại Việt Nam.
Một năm sau, năm 1919 vua Khải Định cũng cho thành lập riêng một dàn nhạc Kèn hơi theo kiểu Pháp với mục đích đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ… Dàn nhạc được giao cho Trần Văn Liêu tổ chức và đào tạo, thường hòa tấu các bài: Quốc ca Pháp; Quốc ca Nam triều, do Trần Như Tú chuyển soạn, phối khí; một số bản nhạc Việt Nam và Quốc tế.
Cũng chỉ một năm sau, năm 1920 đội kèn đồng của lính Khố Xanh Huế ra đời. Chỉ huy do người Pháp – ban đầu là Tourneau, rồi sau là Colombo. Đây là những dàn nhạc, đội nhạc chính, chưa kể các đội kèn đồng do các linh mục, các thầy trò trường dòng thực hiện trong các buổi chầu, buổi lễ…
Những dàn nhạc Kèn hơi ở Huế được đào luyện có trình độ chuyên môn khá, nên thường được chọn đi biểu diễn trong các sự kiện lớn trên toàn quốc cũng như nước ngoài, như:
Năm 1922: Biểu diễn tại Hội chợ Đấu xảo ở Hà Nội (tại cung Văn hóa Hữu nghị hiện nay)
Năm 1930: Biểu diễn ở Sài Gòn nhân dịp khánh thành đường sắt.
Năm 1931: Biểu diễn tại Hội chợ Quốc tế tại Paris, bao gồm các nước thuộc địa của Pháp do Pháp tổ chức. Dàn nhạc kèn hơi ở Huế đã đại diện cho Việt Nam tham dự, và đây là lần đầu tiên Việt Nam có dàn nhạc kèn hơi đi biểu diễn quốc tế. Trong dịp này, dàn nhạc Kèn hơi của Việt Nam, của chính phủ thuộc địa Nam triều đã được trao tặng Huy chương vàng.
Áp phích tại hội chợ quốc tế Paris năm 1931
Cũng trong năm này, dàn nhạc Kèn hơi được đổi tên thành dàn nhạc Kèn hơi Nam triều (Musique de la Garde Impérial) do nhạc trưởng Fournter chỉ huy. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), dàn nhạc kèn hơi đổi thành dàn nhạc Kèn hơi chính phủ Trần Trọng Kim, do Phạm Văn Minh chỉ huy…
Dàn nhạc Kèn hơi ngoài phục vụ nghi lễ do Pháp tổ chức, đặc biệt dàn nhạc đã thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc vào chiều chủ nhật tại “Nhà Kèn” trong vườn hoa trước Tòa Khâm sứ Huế, thu hút rất đông công chúng đến thưởng thức. Chương trình biểu diễn tại “Nhà Kèn” thường là những tác phẩm với nhiều thể loại: cổ điển và lãng mạn của của các nhà soạn nhạc châu Âu như: Mozart, Beethoven, Schubert, Schumann, Bizet, Weber, Tchaikovsky, Chopin, J.Strauss v.v…Các bài hát phổ thông nước ngoài bằng tiếng Pháp như: J’ai deux amours, La Madelon,…cũng thường xuyên biểu diễn tại nhà Kèn. Vì vậy, bên cạnh dòng nhạc cổ truyền, Huế lại tồn tại thêm một dòng nhạc Tây, công chúng được tiếp nhận thêm một màu sắc âm nhạc mới, lạ qua sự thể hiện, diễn tấu của những nhạc khí với kỹ thuật chế tác tinh vi, hiện đại như các nhạc khí thuộc bộ Gỗ: Flute, Hautbois, Cor Anglais, Clarinette, Basson; Bộ Đồng: Cor, Trompette, Trombone, Tuba, Cornet và bộ Gõ: Grosse caisse, Tambour militaire…
Các nhạc công trong trang phục lễ binh dàn nhạc kèn do Pháp đào tạo tại Huế những năm trước 1945. [2]
– Năm 1945, dàn nhạc kèn hơi đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, chiều ngày 30.08.1945, dàn nhạc với trên 100 nhạc công đã tham gia phục vụ lễ thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam tại kinh thành Huế:
“Ðứng phía trước là 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng. Tiếp theo là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím. Ðoàn quân nhạc gồm 130 người đứng bên phải. Lực lượng vũ trang súng trường cắm lê sáng loáng đứng bên trái. …Ðúng 13 giờ, Bảo Ðại đọc thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên kỳ đài Huế, cùng với bản nhạc hùng tráng “Tiến quân ca” lá cờ đỏ sao vàng từ từ kéo lên phần phật bay giữa trời Huế tự do độc lập”. [3]
– Những năm cuối thập niên 30, phong trào cổ súy cho nhạc “cải cách” (thay thế cho phong trào “hát bài ta theo điệu Tây”) diễn ra sôi nổi trên toàn quốc, đó là phong trào “sáng tác theo phương pháp Âu tây” – tự sáng tác cả lời và nhạc theo lý thuyết âm nhạc phương Tây – nhen nhúm trong một số nhóm nhạc công, nhạc sĩ tại Hà Nội. Đến năm 1937, nhóm các nhạc công, nhạc sĩ trẻ như Văn Chung, Doãn Mẫn, Lê Yên, Vũ Khánh, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Thiện Tơ v.v…đã công bố các sáng tác mới của mình trong phạm vi nội bộ giữa các nhóm nhạc…Đến đầu năm 1938, phong trào sáng tác mới, gọi là “âm nhạc cải cách” được chính thức ra công khai với công chúng do một người Huế có giọng hát tốt, nhưng nổi tiếng ở Nam kỳ là Nguyễn Văn Tuyên. Ông được một thống đốc Pháp tài trợ để thực hiện một chuyến lưu diễn, diễn thuyết tuyên truyền cho âm nhạc Pháp khắp ba kỳ.
Đầu tháng 4/1938, ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đến kinh đô Huế diễn thuyết “âm nhạc cải cách” tại Hội trường Viện dân biểu và tại Điện Kiến Trung, được báo chí, như báo Tiếng Dân, Tràng An, La Patrie annamite và đài Phát thanh Huế tường thuật, đăng tải. Trong bài “Nguyễn Văn Tuyên, một nhạc sĩ” trên Tràng An báo, được mở đầu: “Nguyễn Văn Tuyên là một nhạc sỉ nhưng là nhạc-sỉ ở hạng nào mà lại được Chánh-phủ Nam kỳ xuất tiền trợ cấp cho đi ra Huế để hát và đánh đàn cho đức Hoàng-đế ngự thính”.[4] Trong chuyến đi này, ông đã lồng ghép việc giới thiệu các bài hát tự sáng tác của mình theo phương pháp Âu tây với công chúng trẻ Huế, Hà Nội, Hải Phòng…Việc làm này đã trở thành một mồi lửa châm ngòi cho phong trào sáng tác mới – âm nhạc cải cách thực sự bùng phát và nở rộ trên khắp các thành phố lớn của nước ta, đặt nền móng cho nền âm nhạc mới – Tân nhạc Việt Nam.
Ở miền Trung, Huế, “âm nhạc cải cách” được cho là xuất hiện chậm hơn so với Hà Nội và Nam kỳ.[5] Xét về phong trào, Huế chưa được rầm rộ, tập hợp thành các nhóm này nhóm nọ như các thành phố khác, nhưng sự tiếp cận với âm nhạc phương Tây và bài hát mới được sáng tác theo trào lưu “âm nhạc cải cách”, sau này là Tân nhạc, thì không phải là chậm. Từ 1918 công chúng Thừa Thiên Huế đã tiếp xúc với dàn nhạc Kèn hơi, là dàn nhạc kèn hơi đầu tiên của Việt Nam; những năm cuối thập kỷ 20 các nhà truyền giáo đã đặt lời Việt cho các bài thánh ca thay cho lời La-tinh và lời Pháp để truyền bá đạo Thiên Chúa trong con chiên… vì thế mà các nhà Dòng đã tổ chức các lớp dạy nhạc, dạy hát để phổ biến Thánh ca… Đặc biệt, từ năm 1936, một bài hát mới đã ra đời ở Huế, bài Trên sông Hương của Nguyễn Văn Thương – một thanh niên học sinh 17 tuổi (sinh năm 1919), vừa tốt nghiệp Quốc học Huế, là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam ở Huế. Ba năm sau Nguyễn Văn Thương cho ra đời các bài Đêm đông, Bướm hoa… nổi tiếng. Ba bài trên đã là ba bài hát mới trong số các tác phẩm Tân nhạc đầu tiên của Việt Nam.
Như vậy, để đánh dấu của giai đoạn Tân nhạc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, đầu tiên phải là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với các bài Trên sông Hương, (1936), Đêm đông (1939), Bướm hoa (1942), …Sau đó là Nguyễn Hữu Ba với các bài: “Quảng đường mai” (1940); “ Xuân xuân”, “Lửa rừng đêm” (1947); Thu Hồ với Quê mẹ (1943); Lê Mộng Bảo với Không làm nô lệ (1945); Ưng Lang với Mưa rơi (1945); Trần Hoàn với “Học sinh vui tươi” (1945); Văn Giảng (tức Thông Đạt) với Ai về sông Tương (1949)…; Lê Mộng Nguyên với Vó ngựa giang hồ, Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới (1948); Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Chiều thu Mưa Huế (1949); Hoàng Nguyên với Anh đi mai về, Lời người ở lại (1952) và các sáng tác khác của tác giả tân nhạc như: Ngô Ganh, Nguyễn Đình Thị, Lê Quang Nhạc…
– Để truyền bá, phổ biến các tác phẩm tân nhạc của các nhạc sĩ trong toàn quốc, lần đầu tiên một nhà xuất bản âm nhạc đã ra đời tại Huế năm 1944. Đó là Nhà xuất bản Tinh Hoa. uếHuee
Vấn đề truyền bá cho nhạc cải cách, trước đó, năm 1939, ở Hà Nội, Ban “Tricéa” của nhạc sĩ Doãn Mẫn, Văn Chung, Lê Yên đã tổ chức một cơ sở in Li-tô in các bản nhạc mới để cổ động, truyền bá cho nền ca nhạc cải cách, cũng mang tên là Tricéa. Cơ sở in ấn này chỉ tồn tại được hai năm thì bị phá sản, tan rã.
Năm 1944, ở Huế, Nhà Xuất bản Tinh Hoa, là một nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên ra đời. Giám đốc NXB là ông Tăng Duyệt, trụ sở đặt tại 121 Trần Hưng Đạo – Huế. Nhà Xuất bản Tinh Hoa chuyên in ấn và phát hành các bài hát mới của các nhạc sĩ Việt Nam như Văn Cao, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Lê Thương, Hoàng Trọng, Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu, Dương Thiệu Tước, La Hối, Hoàng Giác…Trên bìa bốn của một số bản nhạc đầu tiên có ghi rõ mục đích của Nhà Xuất bản: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới – trên nền tảng văn hoá và nghệ thuật – Nhà xuất bản Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để biếu các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”. Các bản nhạc của Nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế thời đó được phát hành trên toàn cõi Đông Dương…
Năm 1948 ông Tăng Duyệt mời thêm nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cộng tác chọn bài và biên tập để in ấn, xuất bản. Năm 1952 cử Lê Mộng Bảo vào Gài Gòn để thành lập chi nhánh Nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế tại miền Nam. Năm 1956 Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động vì tình hình chiến tranh. Ở Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo khôi phục và duy trì dưới tên Nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam và làm giám đốc đến năm 1975.
Bản nhạc do NXB Tinh Hoa – Huế in những năm 1944 – 1950
– Ở Thừa Thiên Huế, ngày 18/9/1945 Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên được thành lập bao gồm 4 ban: Văn học, Hội họa – Điêu khắc, Âm nhạc và Ca kịch… Tháng 11/1945 Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung bộ cũng được thành lập tại Huế.
Cuối năm 1945 cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Đoàn Tuyên truyền Kháng chiến hoạt động tuyên truyền tại mặt trận Huế có nhạc sĩ Trần Hoàn và Hoàng Thi Thơ… Tháng 2/1947, mặt trận Huế bị vỡ, phần lớn văn nghệ sĩ Huế đã rời thành phố tham gia kháng chiến ở khắp các chiến trường Bình Trị Thiên, Liên khu 4…Trong giai đoạn này một số bài hát mới như Bình Trị Thiên khói lửa (1948) của Nguyễn Văn Thương, Sơn Nữ Ca (1948), Lời người ra đi (1950) của Trần Hoàn, … Những nhạc sĩ ở lại thành phố cũng có tác phẩm sáng tác về đề tài kháng chiến chống Pháp như Lê Mộng Bảo (Không làm nô lệ), Hoàng Nguyên (Anh đi mai về); Văn Giảng (Đêm Mê Linh) v.v…
Giai đoạn từ nửa sau thế kỷ XX đến nay
– Những năm 50 của thế kỷ XX, âm nhạc mới ở Thừa Thiên Huế ngoài các nhạc sĩ và tác phẩm đã nêu còn có các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (Đêm tàn Bến Ngự); Lê Trọng Nguyễn (Nắng chiều) [6]; Lê Cao Phan (Phật giáo Việt Nam, Hai chú gà con)…
Sau 1954, ở chiến khu Thừa Thừa Thiên Huế (sau đó sáp nhập thành Trị – Thiên Huế) qua các giai đoạn, có các nhạc sĩ: Trần Hoàn (Hồ Thuận An), Văn Dung, Thuận Yến, Nguyễn Hữu Vấn…
Ngoài những ca khúc các nhạc sĩ sáng tác về đề tài kháng chiến chống Pháp và Mỹ… ngày càng nhiều các ca khúc được viết về Thừa Thiên Huế, về sông Hương núi Ngự của các nhạc sĩ trong cả nước. Đặc biệt là các ca khúc đã sử dụng âm điệu cổ truyền Huế nhưng bằng những cảm xúc và những phương tiện biểu hiện mới hơn của các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Văn Cao, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Minh Kỳ, Trịnh Công Sơn, Trần Đại Mỹ, Lê Hữu Mục, Hoàng Thi Thơ, Duy Khánh, Canh Thân…
– Trong phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên, học sinh Huế, với những đêm “Hát cho dân tôi nghe”, đã trở thành phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” lan tỏa rộng khắp trên các đô thị Miền Nam. Ở Huế, phát sinh dạng ca khúc tranh đấu, tiêu biểu là của các nhạc sĩ: Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phước Quỳnh Đệ, Nguyễn Phú Yên, Trương Thìn…
Từ 1975 trở về trước, Thừa Thiên Huế đã có hàng trăm ca khúc sáng tác về Huế, mang âm hưởng Huế với nhiều thể loại: nhạc kháng chiến chống Pháp, Mỹ; nhạc tranh đấu, phản chiến; nhạc Thiếu nhi; nhạc Phật giáo… Nhiều nhất, vẫn là các khúc tình ca về non nước Hương Bình của Xứ Huế mộng mơ, đã tạo ra một hiện tượng hiếm thấy trong kho tàng ca khúc Việt Nam.
Ngoài nhà xuất bản Tinh Hoa, các cơ sở hoạt động âm nhạc góp phần cho sự phát triển âm nhạc Huế phải kể đến là sự ra đời Tỳ Bà Trang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba năm 1949 với mục đích “góp sức xây dựng một nền nhạc Việt bằng cách tô bồi nhạc mới, chấn hưng và cải tổ âm nhạc cổ truyền”.
Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Huế thành lập năm 1962 với các chuyên khoa Nhạc pháp, Hòa Thanh và Nhạc Đàn thuộc hai ngành Quốc nhạc (các nhạc cụ dân tộc: đàn Tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt… và Nhạc cụ Phương Tây (Piano, Clarinette, Hautbois, Violon, Cello, Contrebasse, guitare, mandolin…)
Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế trước 1975
Sau 1975, trường mang tên là Trường Âm nhạc Huế rồi Cao đẳng Nghệ thuật Huế, Đại học Nghệ thuật Huế, và từ 2007 trở thành Học viện Âm nhạc Huế; là cơ sở đào tạo một cách chính quy về biểu diễn, sáng tác, chỉ huy, phê bình âm nhạc cổ điển châu Âu cũng như âm nhạc truyền thống Huế, Việt Nam. Bên cạnh còn có trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh cũng có đào tạo lĩnh vực âm nhạc mới.
Nhạc sinh khoa nhạc đàn ngành Quốc nhạc và nhạc cụ Phương Tây trước 1975
Dàn nhạc giao hưởng Học viện âm nhạc Huế 2012
Các nhạc sĩ tiêu biểu của Thừa Thiên Huế từ trước đến nay
– Các nhạc sĩ giai đoạn trước 1975
NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU BA (1914-1997)
Sinh tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tuy sinh ra tại Quảng Trị nhưng suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với cố đô Huế.
Ngoài tân nhạc ra ông là một nhà nghiên cứu, một nhạc sư cổ nhạc VN. Ông biết sử dụng nhiều loại nhạc khí cổ truyền khác nhau, là người có công phát triển và bảo tồn nền cổ nhạc miền Trung, thành lập Viện Tỳ Bà tại Huế. NSƯT. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã từng là Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Lửa rừng đêm”, “Thu khói lửa”, “Quảng đường mai”, “Tiếng hát quân Nam”, “Ánh dương trời Nam”, “Xuân xuân”…và các tác phẩm nghiên cứu và giáo khoa âm nhạc như: “Vài thiên kiến về âm nhạc”, “Nhạc pháp quốc học” v.v…
NHẠC SĨ LÊ MỘNG BẢO (1923-2007)
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo sinh tại Huế, trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Ông từng làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Nội và học nhạc với nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương.
Trong phong trào chống Pháp ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Không làm nô lệ”.
Năm 1948 ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa –Huế của ông Tăng Duyệt.
Năm 1956, nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động, ông làm giám đốc Nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam đến năm 1975.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Đổi thay”, “Mùa ve sầu”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Bọt bèo”, “Xa anh rồi”, “Không hiểu tại sao”, “Sao lừa dối em”…
NHẠC SĨ ĐỖ KIM BẢNG (1932)
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng sinh tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định… Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với Phạm Mạnh Cương, Hoàng Nguyên…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Mục Kiền Liên”, Mùa thi”, Đêm mưa ngoại ô”…
NHẠC SĨ PHẠM MẠNH CƯƠNG (1933)
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại Thừa Thiên Huế. Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định, đỗ Tú tài 2 năm 1953, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn khoa tại Hà Nội năm 1955…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Thu ca”, “Giã từ cố đô”, “Về thăm Cố đô”, Tóc em chưa úa nắng hè, “Thương hoài ngàn năm”, “Tháng bảy mưa ngâu”, “Sầu ly biệt”, “Nhạc khúc mừng xuân”…
NHẠC SĨ NGÔ GANH (….-1980)
Nhạc sĩ Ngô Ganh chuyên về đàn Piano. Từ những năm 1950 ông đã làm thầy giáo dạy nhạc trong một số trường Trung học danh giá ở Huế như Đồng Khánh, Khải Định…là giáo viên dạy nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Con chim non”, “Chu Văn An”, “Trần Quốc Toản”, “Mưa dầm”, “Hương Bình”, “Hương Giang dưới trăng”…
NHẠC SĨ VĂN GIẢNG (1924-2013)
Nhạc sĩ Văn Giảng sinh tại Huế, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.
Trong hai thập niên 50-60, ông giảng dạy âm nhạc tại các trường trung học ở Huế như Quốc Học, Hàm Nghi, Trường đào tạo giáo viên tiểu học và trưởng ban nhạc đài phát thanh Huế. Trong sáng tác ông dung ba bút danh: Văn Giảng, Thông Đạt và Nguyên Thông.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Đêm Mê Linh”, “Qua đèo”, “Nhảy lửa”… Bút hiệu Thông Đạt với các nhạc phẩm trữ tình như “Ai về sông Tương”, “Đôi mắt huyền”, “Hoa cài mái tóc”, “Tình em biển rộng sông dài”, “Năm nay em mấy tuổi ” và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như “Từ Đàm quê hương tôi”, “Mừng Đản sanh”, “Ca Tỳ La Vệ”, “Vô thường”…Đặc biệt là các bản khí nhạc: Ngũ tấu cho Flute và dàn dây (Quintette pour flûte et cordes), Hòa tấu dàn nhạc cổ truyền “Ai Đưa Con Sáo Sang Sông”…và 10 ca khúc trong tập nhạc thiếu nhi “Hát mà học”…
NHẠC SĨ TRẦN HOÀN (1928-2003)
Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh tại Hải Lăng, Quảng Trị. Bố của ông là người rất yêu thích âm nhạc và sành sỏi về ca Huế, hát bội, nhạc Tây. Điều này có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc của ông sau này.
Năm 1941 Trần Hoàn theo học tại trường Lycée Khải Định (Quốc học Huế). Ông tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 16, 17 tuổi với các bài “Học sinh vui tươi”, “Hồn nước” do Đoàn học sinh Cứu quốc tổ chức năm 1945 – 1946. Trần Hoàn tham gia kháng chiến, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo các tổ chức văn hóa, như Đoàn phó đoàn Tuyên truyền văn nghệ Trung bộ hoạt động tuyên truyền ở mặt trận Trị – Thiên và Liên khu IV…
Năm 1964 ông trở lại hoạt động tại chiến trường Trị Thiên với bút danh Hồ Thuận An. Năm 1968 là Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên và từ năm 1969 là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Trị Thiên Huế. Sau 1975 là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên. Năm 1983 ông ra Hà Nội, đảm trách các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Sơn nữ ca”, “Lời người ra đi” “Lời ru trên nương” (thơ Nguyễn Khoa Điềm), “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” (thơ Đỗ Quý Doãn), “Nắng tháng Ba”, “Một mùa xuân nho nhỏ” (thơ Thanh Hải), “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Thăm bến Nhà Rồng”…
NHẠC SĨ THU HỒ (1919-2000)
Nhạc sĩ Thu Hồ tên thật là Hồ Thu sinh tại làng Tân Mỹ (Thuận An), tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông học tại trường trung học Pellerin –Huế. Cũng như nhạc sĩ Châu Kỳ, ông khởi nghiệp âm nhạc bằng giọng hát. Năm 1947 tham gia ban “Thần Kinh nhạc đoàn ” với ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý và các ca sĩ như Châu Kỳ, Mộc Lan, Minh Diệu, Minh Tần, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Thu Thu, Vĩnh Lợi,… Ông là ca sĩ đầu tiên đưa những bài hát VN đầu tiên đến với thính giả khi làm ca sĩ tại đài Phát Thanh Pháp – Á năm 1948. Ông còn là thành viên của S.A.C.E.M, hội âm nhạc của Pháp tại Paris (Société des Auteurs, Compositeurs et Éditeurs de Musique).
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Quê mẹ”, “Tiếng sáo chiều quê”, “Sầu ly biệt”, “Nhớ nhau”, “Tím cả rừng chiều”, “Cô nữ sinh Đồng Khánh”, “Tà áo Trưng Vương”, “Mái tóc em gái Gia Long”, “Trăng huyền diệu”…
NHẠC SĨ DUY KHÁNH (1936-2003)
Nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh tại Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông thuộc dòng họ quan phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường triều Nguyễn. Tuy không sống ở Huế nhưng Quảng Trị rất gần với cố đô, nên ông thường lui tới với các bạn bè ở đây. Ông rất nặng tình với xứ Huế và là người nhạc sĩ có nhiều nhạc phẩm về Huế quê hương miền Trung. Ông không những nổi tiếng về sáng tác mà còn là một ca sĩ có tiếng về dòng nhạc quê hương trước 1975.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Ai ra xứ Huế”, “Sầu cố đô”, “Nén hương yêu”, “Sao không thấy anh về”, “Thương về miền Trung”, “Bao giờ em quên”, “Biết trả lời sao”, “Lối về đất mẹ”, “Huế đẹp Huế thơ”…
NHẠC SĨ CHÂU KỲ (1923-2008)
Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh tại làng Dưởng Mong, tỉnh Thừa Thiên Huế trong một gia đình sống bằng nghề cổ ca nên ông rất am hiểu về cổ nhạc miền Trung. Vì có giọng hát hay nên ông khởi nghiệp âm nhạc bằng giọng hát.Từ khi chị ông là Châu Thị Minh thành lập đoàn ca kịch Huế lấy tên là Hồng Thu, ông theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Chiều trên đồi thông”, “Cố đô yêu dấu”, “Đừng nói xa nhau”, Em không buồn nữa chị ơi”, “Khuya nay anh đi rồi”, “Miền Trung thương nhớ”, “Giữa lòng đất mẹ”, “Đón xuân này nhớ xuân xưa”, “Sao chưa thấy hồi âm”, Cánh nhạn hồi âm, “Con đường xưa em đi”, “Được tin em lấy chồng”, “Giọt lề đài trang”…
NHẠC SĨ ƯNG LANG (1919-2009)
Tên thật là Nguyễn Phước Ưng Lang, sinh tại Huế. Ông là một trong những nghệ sĩ biểu diễn và nhạc sĩ dạy hạ uy cầm đầu tiên ở Huế. Đã từng giảng dạy tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (dạy hòa âm phối khí). Tại đây ông cùng các bạn lập ban nhạc Aloha Oe (tiếng của thổ dân Hawaii thường sử dụng khi gặp gỡ hoặc chia tay) cùng các nhạc sĩ Huế là Văn Giảng, Ngô Ganh, Nguyễn Hữu Ba. Trong thập niên 1940, nhóm nhạc này đã biểu diễn nhiều nơi như Huế và Hà Nội.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Chiều về thôn Vỹ”, “Nhạc lòng”, “Chiều tiễn biệt ” và “Mưa rơi” viết chung với Châu Kỳ, “Ký ức Tango”…
NHẠC SĨ LÊ QUANG NHẠC (….-1960)
Nhạc sĩ Lê Quang Nhạc sinh ra ở Huế. Ông là giáo viên dạy âm nhạc tại một số trường, và là thầy dạy nhạc của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng. Ông cũng là người chơi đàn violon và madoline rất giỏi và có những hiểu biết về hòa âm. Từng làm Trưởng ban nhạc của Đài Phát thanh Huế giai đoạn đầu thập niên 1950, thời kỳ ca sĩ chủ lực của đài là Châu Kỳ – Mộc Lan, sau đó là Hà Thanh…
Ông qua đời khoảng cuối thập niên 1960 tại Huế.
– Tác phẩm tiêu biểu:
Bài hát “Xa quê” được ông sáng tác cuối thập niên 1940 với sự tham gia viết lời của Hồ Đình Phương.
NHẠC SĨ HOÀNG NGUYÊN (1932-1973)
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tên thật là Cao Cự Phúc) sinh tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại Huế. Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế, học Cử nhân Anh văn tại Đại học Saigon, sau đó dạy anh văn và âm nhạc tại Đà Lạt, đã có những ca khúc nổi tiếng về Đà Lạt như: “Bài thơ hoa đào”, “Ai lên xứ hoa đào”…Ở Huế thời kháng chiến chống Pháp có bài “Anh đi mai về” và nổi tiếng là bài “Tà áo tím”…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Tà áo tím”, “Thuở ấy yêu nhau”, “Anh đi mai về”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài Tango riêng cho em”, “Cho người tình lỡ”, “Đường nào lên Thiên thai”, “Lá rụng ven sông”…
NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN (1930)
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Huế. Năm 1948 đã cho ra mắt các ca khúc: “Mừng Khánh Đản” (nhân dịp khánh thành chùa Từ Đàm Huế), “Vó ngựa giang hồ”, “Mùa lúa mới”…Năm 1949 viết bài “Trăng mờ bên suối” phổ biến trên toàn quốc thời bấy giờ. Năm 1950 ông du học tại Pháp và định cư ở Pháp.
– Tác phẩm tiêu biểu:
Những sáng tác thời kỳ ở Huế:
“Trăng mờ bên suối”, “Vó Ngựa Giang Hồ”, “Đàn Chim Xuân”, “Kỷ Niệm Chiều”, “Mừng Khánh Đản”, “Một Chiều Thương Nhớ”, “Hoàng Hoa Thôn”, “Nhớ Huế”, “Bài Thơ Huế”, “Mưa Huế”, “Về Chơi Thôn Vỹ”, “Cô Gái Huế”, “Dạ Lan Hương”, “Ngàn Dặm Quan San”, “Đôi Mắt Nhung”,…
NHẠC SĨ LÊ CAO PHAN (1923-2014)
Nhạc sĩ Lê Cao Phan sinh năm Quý Hợi, 1923, tại làng Ngô Xá Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nguyên Trưởng ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế. Về âm nhạc, ông sáng tác nhiều thể loại, là một nhà giáo nên ông viết nhiều cho nhạc học đường, nhạc Thiếu nhi.
Đặc biệt năm 1951, nhân dịp Đại hội thống nhất Phật giáo Bắc, Trung, Nam tại chùa Từ Đàm, nhạc sĩ Lê Cao Phan sáng tác ca khúc “Phật Giáo Việt Nam”. Bài hát đã phổ biến trong giới Phật tử khắp mọi miền đất nước. Năm 2007, tại Đại hội VI của Giáo hội, ca khúc “Phật giáo Việt Nam” chính thức được công nhận là Đạo ca, quy định tại Điều 4 Chương 1 của Hiến chương Giáo hội PGVN.
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Phật giáo Việt Nam”, “Bài ca tình bạn”, “Ca múa học vui”, “Hai chú gà con”, “Nhi đồng múa ca”, “Ra chơi”, “Tập tầm vông”, “Tiếng còi đánh thức”, “Vui đi học”…
NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN (1939-2001)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quê quán tại làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh tại Ban Mê Thuột, Đăk Lăk, lớn lên và học hành tại Huế (trường Lyceè Francais và Provindence), Sài Gòn (trường Tây Lyceé J.J Rousseau), Quy Nhơn (trường Sư Phạm Quy Nhơn)…
Trong thập niên 60, hàng loạt ca khúc của ông xuất hiện đã trở thành một hiện tượng mới lạ, đột biến trong dòng Tân nhạc Việt Nam, kể cả trong lĩnh vực Tình ca và phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình (Phản chiến). Đề tài Phản chiến là thể loại âm nhạc làm cho ông giành được giải “Đĩa Vàng” – giải thưởng âm nhạc tại Nhật với bài “Ngủ đi con”. Được ghi danh trong Tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp. Năm 1997, ông đoạt giải thưởng của Hội Nhạc Sĩ Việt Nam cho chùm bài hát: “Xin trả nợ người”, “Sóng về đâu”, “Em đi bỏ lại con đường”, “Ta đã thấy gì hôm nay”.
– Tác phẩm tiêu biểu:
Thể loại Tình khúc: “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, Nhìn những mùa thu đi”, “Như cánh vạc bay”, “Cát bụi”, “Mưa hồng”, “Cỏ xót xa đưa”, “Một cỏi đi về”, “Huyền thoại Mẹ”…
Thể loại viết về quê hương, đất nước, chiến tranh và hòa bình: những ca khúc trong các tập “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”, “Ta phải thấy mặt trời”…Các ca khúc “Nối vòng Tay lớn”, “Huế – Sài Gòn – Hà Nội” và ca khúc thiếu niên “Em là hoa hồng nhỏ”… rất được phổ biến trong thanh, thiếu niên Việt Nam.
NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ (1928-2001)
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh tại Triệu Phong, Quảng Trị. Thân phụ ông là Hoàng Hữu Bính, là một đường quan của triều đình Huế dưới triều vua Đồng Khánh với chức Lang Trung Bộ Công, tước Thái Thường Tự Khanh.
Ông học trung học tại Huế. Năm 1946 ông theo kháng chiến, hoạt động trong đoàn Tuyên truyền Kháng chiến tại mặt trận Huế cùng nhạc sĩ Trần Hoàn, sau đó ra Vinh rồi vào Sài Gòn lập nghiệp và sinh hoạt âm nhạc cho đến 1975…
Vì quê ở miền Trung, nên nhạc của ông cũng mang âm hưởng tiếng hò giọng hát miền Trung. Riêng về xứ Huế, ông có những nhạc phẩm như “ Chiều cố đô”, “Tâm tình gửi Huế ”…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Trăng rụng xuống cầu”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Duyên quê”, “Tình ta với mình”, “Rước tình về với quê hương”, “Đường xua lối cũ”, “Chuyện tình cô lái đò bến Hạ”, “Chuyện tình người trinh nữ tên Thi”, “Rong chơi cuối trời quên lãng”, “Đám cưới trên đường quê”, “Ai buồn hơn ai”…
NHẠC SĨ DƯƠNG THIỆU TƯỚC (1915-1995)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông là thành viên nhóm Myosotis cùng với nhạc sĩ Lê Yên, Thẩm Oanh…tại Hà Nội. Ông sinh tại Hà Đông, Hà Nội nhưng có duyên nợ với Huế vì vợ sau này là ca sĩ Minh Trang, một tiểu thư dòng dõi Tôn nữ đất Thần Kinh. Ông đã để lại những ca khúc nổi tiếng về Huế, tại Huế như “Đêm tàn Bến Ngự”, “Tiếng xưa” và kể cả “Ngọc lan”.
– Tác phẩm tiêu biểu: Ngoài ba ca khúc tiêu biểu trên ông còn có các ca khúc:
“Bóng chiều xưa”, “Khúc nhạc dưới trăng”, “Chiều”, “Kiếp hoa”, “Ơn nghĩa sinh thành”, “Thuyền mơ”, “Giáng xuân”, “Sóng lòng”…
NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN THƯƠNG (1919-2002)
GS. NSND. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh tại Thừa Thiên Huế. Năm 1936, ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Tiếng sông Hương” khi 17 còn tuổi, vừa tốt nghiệp bậc trung học tại trường Khải Định Huế. Đây là bài tân nhạc đầu tiên của xứ Huế. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ Tân nhạc đầu tiên của Việt Nam. Năm 1972 ông là hiệu trưởng trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Trên sông Hương”, “Đêm đông”, “Bướm hoa”, “Bình Trị Thiên khói lửa”… “Đồng khởi” (Giao hưởng Thơ), “Trở về đất mẹ” (Violocelle và Piano), “Rhapsodie số 2” (đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng)…
NHẠC SĨ ĐINH MIÊN VŨ (1942-2010)
Nhạc sĩ Ðinh Miên Vũ tên thật là Ðinh Miên, sinh tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Năm 1968, 1969 đã từng dạy học tại Trường Trung học Gia Hội, Huế…
Ông chỉ có một ca khúc rất thịnh hành trước 1975 qua giọng ca của Duy Khánh là “Sương trắng miền quê ngoại”
NHẠC SĨ NGUYỄN PHÚ YÊN (1946)
Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên sinh tại An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp hai trường Đại học Văn Khoa và Đại học Sư Phạm Huế năm 1969.
Ở Huế, trong những năm 70, trong khí thế bừng bừng của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh đấu tranh chống Mỹ, ông đã hăng say hòa mình vào với “những đêm không ngủ” (tiền thân của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”), hội thảo, xuống đường…
– Tác phẩm tiêu biểu:
“Thuyền em đi trong đêm”, “Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa” (thơ Võ Quê), “Tiếng chim rừng hót mừng sông núi”, “Cô giáo trẻ trên bản làng xa”, “Nhà em dưới mái trường sơn”, “Gửi Huế than yêu” (thơ Tạ Nghi Lễ), “Mẹ tôi” (thơ Phạm Bá Nhơn), “Bóng mẹ quê nhà” (thơ Phạm Thanh Chương), “Chợt nhớ quê xưa” (thơ Hồ Đắc Thiếu Anh)…
– Các nhạc sĩ giai đoạn sau 1975
Năm 1975, Âm nhạc chủ yếu gồm một số nhạc sĩ từ chiến khu Thừa Thiên Huế về, lực lượng tại chỗ và từ miền Bắc vào. Nhạc sĩ tiêu biểu của giai đoạn này là Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên…; Một năm sau (1976) với sự kiện hợp nhất 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thành tỉnh Bình Trị Thiên, đội ngũ nhạc sĩ có phần đông đảo hơn gồm các nhạc sĩ tiêu biểu như: Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên, Hà Sâm, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Lê Anh, Trần Hữu Pháp, Minh Phương, Mai Xuân Hòa, Lô Thanh, Thái Quý, Khắc Yên v.v… Năm 1989 theo chủ trương chia tỉnh, đội ngũ nhạc sĩ có biến động: Nhạc sĩ Trần Hoàn ra Hà Nội, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên vào thành phố HCM, các nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân… về lại Quảng Bình.
Từ 1989 trở đi đội ngũ âm nhạc Thừa Thiên Huế, số lượng nhạc sĩ đã tăng lên đông đảo và hầu hết đều tham gia vào các Hội xã hội, nghề nghiệp như Hội Âm nhạc Tỉnh, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, như: Khắc Yên, Dương Bích Hà, Đoàn Lan Hương, Lê Phùng, Việt Đức, Vĩnh Phúc, Nguyễn Việt, Trần Đại Dũng, Trần Ngọc Tuấn, Trầm Tích, Quốc Anh… [7]
Phần lớn các nhạc sĩ được đào tạo chuyên sâu thuộc các chuyên ngành như Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây và nhạc cụ truyền thống, Sư phạm âm nhạc…đã đóng góp nhiều cho âm nhạc mới Thừa Thiên Huế.
Riêng trong lĩnh vực sáng tác, Tỉnh đã hỗ trợ ngành âm nhạc mở nhiều trại sáng tác âm nhạc về quê hương Thừa Thiên Huế, đã có hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ của địa phương cũng như trong cả nước. Ngoài những đợt phát động sáng tác, mở trại sáng tác hàng năm của ngành Âm nhạc trong phạm vi địa phương…thì một số hoạt động sau lại có ảnh hưởng rộng rải trong cả nước, như:
Năm 2002 cộng tác với Nhà Xuất bản Phương Nam in ấn và phát hành tuyển tập “Tình khúc Huế Thế kỷ 20” gồm 100 tình khúc về Huế của các nhạc sĩ xưa và nay; Tháng 3 năm 2004 Thừa Thiên Huế mở “Trại sáng tác khí nhạc dân tộc và Lý luận phê bình âm nhạc” gồm các nhạc sĩ trong toàn quốc; Tháng 03 năm 2005 Kết nghĩa 3 hội Âm nhạc: Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ Chí Minh; Tháng 03 năm 2006 mở Trại sáng tác âm nhạc Quốc tế “Âm sắc Huế – Việt Nam 2006” thành phần gồm các nhạc sĩ Việt Nam và Quốc tế v.v…
Bìa Tuyển tập “Tình khúc Huế Thế kỷ 20”
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội trong lễ Kết nghĩa ba hội âm nhạc Hà Nội – Huế – TP. HCM năm 2005
Bìa Giấy Chứng Nhận tham gia trại STAN Quốc tế
– Một số Tuyển tập các bài hát trong các Trại sáng tác, các cuộc Vận động sáng tác của các nhạc sĩ Thừa Thiên Huế: “Huế mùa thu” (2008), “Huế thành phố tôi yêu”(2010), “Mùa xuân với Huế và em” (2011)