BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU DÂN CA SÁN DÌU

Sán Dìu là một tộc người thiểu số trong 54 tộc người ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở vùng trung du Bắc bộ thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh… Người Sán Dìu di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Họ dùng chữ Hán, nói một phương ngữ vùng Quảng Đông và được xếp vào nhóm ngôn ngữ Hán – Tạng.

Vào tháng 4/2022, trong chuyến điền dã đến Vĩnh Phúc – nơi có 36.821 người Sán Dìu đang sinh sống (chiếm 25,1% tổng số người Sán Dìu trên cả nước)[i], chúng tôi có dịp đến với bản làng của người Sán Dìu và dễ dàng tiếp xúc với bà con. Điểm đến của chúng tôi lần này là xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được gặp chị Trương Thị Xinh, 60 tuổi, là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu cùng một số thành viên khác. Đây là một trong ba câu lạc bộ hát Soọng cô của xã Ngọc Thanh, được thành lập từ năm 2014, gồm 24 thành viên từ 37 – 80 tuổi. Trong các cuộc hội diễn, liên hoan, chị Xinh cùng với người em gái Trương Thị Hồ là những giọng hát chính để đi thi thố với các câu lạc bộ khác trong tỉnh[ii]. Điều đó cho thấy chị là một “mẫu” điển hình cho người diễn xướng dân ca Sán Dìu hiện nay. Những ghi chép trong bài viết này dựa vào những bài hát của chị Xinh diễn xướng khi chúng tôi ghi âm, phỏng vấn tại nhà của chị Xinh và chị Hồ ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong đợt điền dã này. Bài viết này tiếp cận dân ca Sán Dìu dưới góc độ âm nhạc dân tộc học, với cách thông qua ngôn ngữ, chủ thể diễn xướng để tìm hiểu về đặc điểm âm nhạc của dân ca Sán Dìu.

Tìm hiểu về dân ca Sán Dìu, chúng ta bắt gặp ngay từ Soọng cô. Trong tiếng Sán Dìu, Soọng có nghĩa là hát,  có nghĩa là ca. Soọng cô là loại hát dân ca của người Sán Dìu, chủ yếu dùng trong các trường hợp đối đáp nam – nữ. Đó có thể là những bài hát dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, hát lúc trai gái bày tỏ tình cảm với nhau, lúc đám cưới, khi nông nhàn…   Soọng cô thường dùng trong hát giao duyên nên thường là hát tập thể với hai nhóm trai và gái đối đáp nhau. Soọng cô chỉ có một làn điệu[iii] (với một số biến thể), nhưng phần lời thì rất phong phú, thể hiện các mặt đời sống vật chất và tinh thần của bà con Sán Dìu.

Bước đầu tìm hiểu về dân ca Sán Dìu, chúng tôi lựa chọn khảo sát 3 bài hát tiêu biểu cho 3 trường hợp khác nhau: hát ru con, hát đám cưới (cung kính tổ tiên) và hát đón khách. Chúng tôi cho rằng dân ca trong ba trường hợp khác nhau như thế sẽ thể hiện các biến thể khác nhau về ca từ và giai điệu, cho thấy phần nào các đặc điểm, tính chất âm nhạc của thể loại dân ca này.

  1. Hát ru con

Hát ru của dân tộc Sán Dìu có nhịp điệu tự do, giai điệu du dương, dàn trải, với tác dụng dễ dàng đưa em bé vào giấc ngủ. Giai điệu của bài hát  được xây dựng trên thang 3 âm la – do – re như trích đoạn dưới đây:

 

a1

Trích đoạn trên phản ánh giai điệu của toàn bài hát ru con Sán Dìu với thang 3 âm la – do – re. Đây chính là trục âm để hình thành nên giai điệu của bài bản.

Bài hát ru Sán Dìu có phần ca từ được phiên âm như sau[iv]:

Ềnh ếnh bồng, ếnh thai ngôi mói hị la chế công

Chế công tá ác chấy ché phố len tam chấy

Ngoi nạ tại chấy chấy hen chung mụng óc lày thèn

Lày thèn lộ cốc lộ máy lộ vàn tếch cốc chúy cốc máy chúy ngèn sèn.

Ênh ếnh hụn ếnh thai ngoi mói hị là chun

Là chun vòng khi nem quác chấy

Tấy xeng quác chấy tọng xong hụn.

Dịch ý:

Con ơi, mẹ ru con ngủ cho ngoan

Để mẹ đi cấy làm nương ngoài đồng.

Con ngoan, bà ngoại may áo cho con.

Ông ngoại mua cho vòng cổ, vòng tay.

Ông bà cho cả đôi trâu.

Trâu đực thì để kéo cày,

Trâu cái để đẻ chăn nuôi làm giàu.

Như thế, phần ca từ của Hát ru con không theo một thể thơ nhất định (khác với các trường hợp dưới đây). Bài hát ru này có giai điệu đơn giản được xây dựng trên thang 3 âm, nhịp điệu tự do, mang tính ngâm ngợi, nhẹ nhàng, êm ái, phù hợp với chức năng dễ đưa em bé vào giấc ngủ.

2.  Hát đám cưới (cung kính tổ tiên)

Soọng cô sử dụng phổ biến trong đám cưới. Hát đám cưới tuy có cùng làn điệu nhưng có nhiều nội dung khác nhau. Trước hết phải hát dâng cúng tổ tiên, rồi đến đoạn hát dành cho chủ nhà, sau đó hát cúng bếp, thổ thần, hát dành cho dân làng, dành cho ông mối, bà mối, về sau mới hát mừng cô dâu chú rể… Mục này chú trọng vào phần hát cung kính các cụ tổ tiên.

Lời hát được phiên âm như sau:

Soọng theo sếnh cô hô chú công

Chú công láo loi sộ lu chông

Dịu don ký mạn sênh ca chíu

Loáng thoi nam nhúy két tếnh tông

 

Soọng theo sếnh cô hô chú ten

Chú ten láo loi sộ lu ben

Dịu don ki mạn sênh ca chịu

Loáng thoi nam nhúy két tênh ten

Dịch ý:

Hôm nay cưới cháu kính tổ tiên

Tổ tiên các cụ ngồi hai bên

Các cụ về đại lễ cưới cháu

Dâu rể thuận hòa cả đôi bên

Lời hát phiên âm tiếng Sán Dìu gồm có hai khổ thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ, theo thể Thất ngôn tứ tuyệt. Hai khổ thơ này có nội dung tương tự nhau, chỉ đổi một số chữ và ý, dành cho hai bên nam và nữ hát để đối đáp nhau.

a2

Tài liệu cổ chép phần lời của hát Soọng cô. Nguồn: internet.

Làn điệu này được xây dựng trên thang 2 âm la – do, âm sol rất ít xuất hiện trong giai điệu, nếu có thì với tư cách là âm luyến, láy. Đoạn trích dưới đây có phần lời là hai câu thơ 7 chữ, nhưng âm sol chỉ xuất hiện một lần với tư cách là âm luyến, không rơi vào các chữ của lời thơ:

a3

Khảo sát trong toàn bộ bài hát cũng thấy hiện tượng như vậy. Cho nên, có thể nói làn điệu này chủ yếu sử dụng thang 2 âm, với âm phụ là âm sol rất hiếm khi xuất hiện. Như vậy, thang âm của bài có thể được thể hiện như sau:

a4

Ghi chú: hình nốt trắng là nốt chính, hình nốt đen là nốt phụ của thang âm

Giai điệu ở đây sử dụng nhiều luyến láy, nhịp điệu tự do, dàn trải, mang tính ngâm ngợi. Trong ví dụ trên, ta thấy mỗi ca từ không tương ứng với chỉ một nốt nhạc mà thường sử dụng các nốt luyến, láy, khiến cho giai điệu trở nên mềm mại, uyển chuyển. Mặt khác, người hát không dừng lại lấy hơi ở cuối mỗi câu thơ mà có thể dừng lại ở vị trí giữa câu thơ. Điều đó cho thấy người hát có sự tự do nhất định trong phần diễn xướng của mình.

Trên cơ sở làn điệu như trên, người ta ghép các lời thơ vào và tùy theo thanh điệu của ca từ để uốn nắn giai điệu sao cho phù hợp, tạo nên giai điệu của bài bản. Theo nghiên cứu trong luận án Tiến sĩ về ngôn ngữ học của tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa, tiếng Sán Dìu gồm có 6 thanh[v], điều đó cho thấy ngôn ngữ nói của người Sán Dìu vốn sẵn giàu nhạc điệu, tương tự như tiếng Kinh. Hiện tượng giai điệu hóa các lời thơ trong dân ca Sán Dìu cũng tương tự như trường hợp ngâm thơ, nói lối, hát ví, hát ru… của người Kinh, khi mà người ta dựa vào 6 thanh điệu lên bổng xuống trầm trong ngôn ngữ nói để xây dựng giai điệu, hình thành nên các làn điệu.

       3. Hát đón khách

Phần hát này được dùng trong cả dịp đón khách đến thăm nhà và cả khi đón khách trong lễ cưới. Ca từ gồm hai khổ thơ theo kiểu Thất ngôn tứ tuyệt, phiên âm như sau:

Soọng theo sênh cồ hồ hát thoi

Thị ben hát thoi thị con coi

Thị ben hát thoi tạnh tọng xộ

Thị ben nhìm chíu thị con boi

 

Soọng theo sênh cồ hồ hát nhin

Thị ben hát nhin xổ nhim nhim

Thị ben hát nhin tạnh tọng xộ

Thị ben nhìm chíu xộ nhim nhim

 

Dịch ý:

Hát mừng đón khách người dẫn đầu

Bốn bên khách đến người dẫn đầu

Bốn bên khách đến mời ngồi ghế

Bốn bên nâng chén cùng uống rượu

 

Hát mừng đón khách đến chơi nhà

Mời khách vào nhà ngồi uống nước

Mời khách cùng nhau ngồi lên ghế

Bốn bên cùng ăn cơm uống rượu.

Cũng như trong phần hát đám cưới dâng cúng tổ tiên trên đây, phần hát này gồm hai khổ thơ gần gũi nhau về nội dung và từ ngữ, như một cặp đối nhau về ngữ nghĩa.

Cũng như vậy, phần giai điệu được xây dựng chủ yếu trên hai âm la, do, các ca từ đều rơi vào hai âm này. Các âm sol, re ít xuất hiện, nếu có, chúng chỉ giữ vai trò là các âm luyến, láy, ca từ không bao giờ rơi vào các âm phụ này. Xin xem đoạn trích minh họa dưới đây:

a5

Do chỉ được xây dựng trên thang hai âm (la – do), bài hát có vẻ đơn điệu bởi hai âm la, do này xuất hiện thường xuyên, rơi vào các ca từ và quán xuyến từ đầu đến cuối bài. Nhưng do có sử dụng thêm các âm phụ sol, re với thủ pháp luyến láy, giai điệu trở nên mềm mại, uyển chuyển.hơn. Như vậy, thang âm ở đây là:

a6

Lời kết

Qua bước đầu tìm hiểu về dân ca Sán Dìu, chúng tôi có một vài nhận xét sơ lược sau:

– Giai điệu của dân ca Sán Dìu khá đơn giản, được xây dựng chủ yếu ở thang 2 âm, thang 3 âm. Có thêm một hoặc hai âm phụ ở vị trí luyến, láy khiến giai điệu trở nên mềm mại hơn, song giai điệu vẫn cho cảm giác đơn điệu bởi các ca từ chỉ rơi vào hai hoặc ba âm chính của làn điệu, các âm phụ ít xuất hiện.

– Dân ca Sán Dìu là sự “giai điệu hóa” lời thơ mà người dân muốn trao đổi, thể hiện với nhau. Điều này cũng tương tự như một số thể loại dân ca của các tộc người khác, trong đó có người Kinh.

– So sánh các phần hát ở mục 2 và 3 trên đây, ta thấy chúng có giai điệu tương tự nhau. Chính vì thế, có thể nói Soọng cô chỉ có một làn điệu, nó được biến đổi, nắn chỉnh theo thanh điệu của ca từ và theo các phần diễn xướng khác nhau của các nghệ nhân. Từ một làn điệu đó, người dân có thể đưa vào hàng trăm lời thơ khác nhau theo thể Thất ngôn tứ tuyệt để trở thành các nội dung diễn xướng khác nhau, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của dân tộc mình.

– Cũng như dân ca các tộc người khác, dân ca Sán Dìu cũng có những biến đổi nhất định về lời ca và âm nhạc. Về lời ca, gần đây xuất hiện những nội dung mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi bản làng đổi mới, … Về âm nhạc, chị Trương Thị Xinh cho biết trước đây người ta hát giọng cao hơn và kéo dài hơn so với hiện nay[vi]. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rằng khi hát bản dịch lời ca bằng tiếng Sán Dìu sang tiếng phổ thông (tiếng Kinh), người ta có khuynh hướng bổ sung thêm âm mới vào giai điệu để gần gũi với cách thể hiện 6 thanh điệu của tiếng Kinh. Vì thế, từ làn điệu có 2 âm chính, người ta có thể hát thành làn điệu có 3 âm, gần với thể hát Ví của người Kinh ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ[vii].Từ một dịp điền dã ngắn tìm hiểu về dân ca Sán Dìu, bài viết này không thể là một nghiên cứu chuyên sâu và mang tính tổng quát mà chỉ là những ghi chép, nhận xét sơ lược về âm nhạc của dân ca Sán Dìu qua những lần tiếp xúc với vài nghệ nhân điển hình ở một địa phương cụ thể. Để có được những nghiên cứu sâu sắc và tổng quát về dân ca Sán Dìu, cần có nhiều thời gian điền dã, khảo sát trong các đợt nghiên cứu tiếp theo.

Trại Sáng tác Đại Lải – Vĩnh Phúc

                  10/4/2022    

                      P.T.T.

     Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Mai Chinh (2016), Hát Soọng cô của người Sán Dìu ở Tuyên Quang, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 380, tháng 2/2016.

2.Nguyễn Thị Ngân (2015), Hát Soọng cô Sán Dìu xã Hóa Thượng – Đồng Hỷ – Thái Nguyên, http://www.spnttw.edu.vn, truy cập ngày 3/4/2022.

3. Nguyễn Thị Kim Thoa (2012), Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam, Trường Đại học KHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4. Hài Yến (2019), Làn điệu Hát Soọng cô – Nét độc đáo của người Sán Dìu, https://tamdao.vinhphuc.gov.vn, truy cập ngày 3/4/2022.

5. Cục Di sản Văn hóa, Hát Soọng cô của người Sán Dìu, http://dsvh.gov.vn, truy cập ngày 3/4/2022.

6. Phỏng vấn chị Nguyễn Thị Xinh, Nguyễn Thị Hồ tại nhà riêng ở xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 2 và 7/4/2022.

    Chú thích:

[i] Người Sán Dìu, https://vi.wikipedia.org/wiki, truy cập ngày 2/4/2022.

[ii] Phỏng vấn các chị Trương Thị Xinh, Trương Thị Hồ, ngày 2/4/2022.

[iii] Hát Soọng cô của người Sán Dìu, http://dsvh.gov.vn, truy cập ngày 3/4/2022.

[iv] Các phần phiên âm và dịch ý các lời hát trong bài viết này do chị Trương Thị Xinh ghi lại từ bài hát của chị.

[v] Nguyễn Thị Kim Thoa (2012), Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam, Trường Đại học KHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.16.

[vi] Phỏng vấn ngày 7/4/2022.

[vii] File ghi âm bài hát bài “Trai gái tìm hiểu nhau”, do chị Trương Thị Xinh và bà Đặng Thị Chần hát, ngày 2/4/2022.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *